CÔNG KHAI CAM KẾT CHẤT LƯỢNG VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG CỦA CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
2021-03-11Nhằm giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho THACO và các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung. Năm 2010, THACO quyết định thành lập Trường Cao đẳng Chu Lai – Trường Hải, nay là Trường Cao đẳng THACO và được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định thành lập theo Quyết định số 595/2010/QĐ-BLĐTBXH ngày 12/5/2010.
Trường xây dựng Tầm nhìn: Là đơn vị tổ chức đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của THACO và thực hiện Sứ mệnh: Cung cấp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển đa ngành ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của THACO và các doanh nghiệp miền Trung.
Mục tiêu đào tạo của Trường Chất lượng đào tạo tốt nhất, chi phí đào tạo thấp nhất, thời gian đào tạo ngắn nhất (đúng quy định) và người học sau khi ra trường có việc làm và làm được việc.
I. Nội dung công khai cam kết chất lượng của Trường:
§ Xây dựng nhà trường trở thành cơ sở đào tạo uy tín tại Việt Nam ở lĩnh vực Ô tô và Cơ khí, đáp ứng nguồn nhân lực THACO và các doanh nghiệp miền Trung.
§ Cải tiến liên tục công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và các hoạt động khác; Duy trì và không ngừng phát triển hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Trường.
§ Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thiết bị đáp ứng theo yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
§ Thường xuyên rà soát, cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của THACO và xã hội.
§ Tinh gọn cấu trúc tổ chức của Nhà trường dựa trên quan điểm “Kết hợp tạo lợi thế và chuyên biệt để hiệu quả” theo yêu cầu thực tiễn hoạt động đào tạo của Trường.
§ Tăng cường đào tạo huấn luyện về quản trị, chuyên môn nghề nghiệp và năng lực lãnh đạo để đội ngũ lãnh đạo các cấp vận hành tốt 5 trụ cột là: Triết lý giá trị, chiến lược khác biệt, quản trị đặc thù, nhân sự phù hợp và môi trường làm việc văn hóa thuận tiện vào trong lĩnh vực, đơn vị, bộ phận mà mình lãnh đạo, quản lý và điều hành.
II. Các điều kiện bảo đảm chất lượng của Trường:
1. Cơ sở vật chất thiết bị:
§ Hằng năm, các khoa chuyên môn đánh giá lại tình trạng thiết bị, mô hình đào tạo và đề xuất bổ sung các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu của xã hội và của Công ty.
§ HSSV được tham gia kiến tập, thực tập tại các nhà máy/ các showroom của THACO theo kế hoạch đào tạo, giúp các em tiếp cận với các máy móc thiết bị hiện đại, các quy trình công nghệ,…
§ Một số mô đun có yêu cầu máy móc thiết bị hiện đại mà trường không đủ kinh phí đầu tư thì trường phối hợp với các Nhà máy/ Showroom để đưa các em đến thực hành trực tiếp với sự hướng dẫn của đội ngũ kỹ sư và quản lý tại đơn vị.
2. Đội ngũ quản lý và giảng viên:
§ Cán bộ lãnh đạo và quản lý của Trường được bồi dưỡng các kỹ năng về lãnh đạo và quản trị do công ty và Sở Lao động Thương binh & Xã hội tổ chức.
§ Đội ngũ giảng viên cơ hữu được thường xuyên bồi dưỡng các kiến thức công nghệ mới, tham gia các khóa học nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản trị do Công ty tổ chức. Theo kế hoạch hằng năm mỗi giáo viên tham gia thực tế sản xuất từ 1 đến 2 tháng tại các Nhà máy/ Showroom của THACO.
§ Một số mô đun chuyên ngành mang tính thực tế, các khoa chuyên môn liên hệ mời các giảng viên thỉnh giảng, các cán bộ lãnh đạo, quản lý của THACO tham gia giảng dạy.
§ Trường cũng đã xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, là cán bộ lãnh đạo, quản lý, kỹ sư đang làm việc tại THACO để tham gia giảng dạy.
3. Chương trình, giáo trình đào tạo:
§ Hằng năm, các khoa chuyên môn thực hiện khảo sát lấy ý kiến của người sử dụng lao động, cựu sinh viên và các chuyên gia để lên kế hoạch và tổ chức điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với xu thế của xã hội và yêu cầu năng lực của THACO nói riêng và các doanh nghiệp bên ngoài xã hội nói chung. Đảm bảo tỷ lệ lý thuyết nhỏ hơn 30%, thực hành 70%, trong đó thực hành 1 tại xưởng thực hành của Trường và thực hành 2 tại các nhà máy, showroom.
§ Xây dựng chương trình đào tạo theo phương pháp Dacum.
§ Giáo trình đào tạo được cập nhật thường xuyên theo các nguồn tài liệu tham khảo tin cậy, các tài liệu được chuyển giao từ các hãng, tập đoàn lớn, các đối tác của THACO.
4. Các quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng:
§ Để vận hành các hoạt động đào tạo theo đúng các quy định tại Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường cũng đã xây dựng và ban hành đưa vào áp dụng 28 quy trình, quy định và 3 quy chế. Các quy định, quy trình được cập nhật thường xuyên theo đúng quy định của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và phù hợp với quy định của Công ty.
§ Hoạt động đào tạo của Trường luôn được cải tiến liên tục theo triết lý Kaizen để ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo và quản trị hiệu quả hoạt động đào tạo đáp ứng chiến lược phát triển của Trường và xu hướng phát triển của xã hội.
§ Trường đã ứng dụng các công cụ, phương pháp quản trị trong hoạt động sản xuất kinh doanh vào trong hoạt động đào tạo, như:
- Phương pháp 5S:
+ 5S là viết tắt của 5 từ Nhật Bản là Seiri, Seiton, Seiso, Seiketsu và Shitsuke.
+ 5S là một phương pháp cải tiến đơn giản, dễ hiểu đối với mọi người, thực hiện dễ dàng và chi phí thực hiện ít tốn kém.
+ Trường đã thành lập Ban 5S để xây dựng các tiêu chuẩn, quy định về 5S, thiết kế các Lay-out phân công vị trí chịu trách nhiệm 5S của CB-GV-NV Trường. Hằng tuần, Ban 5S xây dựng kế hoạch kiểm tra và báo cáo các lỗi vi phạm 5S vào buổi sáng thứ 2 chào cờ đầu tuần. Để hoạt động 5S được thành công thì phải có cam kết của lãnh đạo, sự tham gia của tất cả mọi người và phải duy trì thường xuyên.
Hình 1. Phương pháp 5S
- Triết lý Kaizen: Cải tiến liên tục, là chìa khóa thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản, có 05 nguyên tắc để hoạt động cải tiến được thành công: Tập trung giải quyết các thắc mắc, vấn đề của phụ huynh, học sinh sinh viên; Xây dựng tư duy cải tiến liên tục (Cải tiến phương pháp giảng dạy, cải tiến mô hình thiết bị, cái tiến chương trình đào tạo, cải tiến bài giảng,….); Xây dựng văn hóa tâm thế không đổ lỗi; Tạo môi trường làm việc mở, khuyến khích làm việc nhóm; Hướng thông tin đến mọi CB-GV-NV và HSSV.
Hình 2. Các nguyên tắc Kaizen
- Áp dụng 8 loại lãng phí trong sản xuất (Lỗi, sản phẩm thừa, chờ đợi, sử dụng nhân sự không phù hợp, vận chuyển, tồn kho, di chuyển, làm thừa quy trình) vào nhận diện trong hoạt động đào tạo để quản trị tối ưu các hoạt động, cắt giảm các loại lãng phí, giảm chi phí đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của Trường.
- Sử dụng biểu đồ xương cá và sơ đồ tư duy để giải quyết các vấn đề (Vấn đề phát sinh, vấn đề tự thiết kế và vấn đề tầm nhìn, chiến lược).
Hình 3. Sơ đồ tư duy
Hình 4. Biểu đồ xương cá
- Công cụ 4M-1E:
Hình 5. Công cụ 4M-1E
+ Man (Con người): Năng lực, chất lượng đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, nhân viên và chuẩn đầu vào của học sinh, sinh viên quyết định rất lớn đến chất lượng đào tạo.
+ Method (Phương pháp): Phương pháp giảng dạy (Trực tuyến, dự án, tập trung,…)
+ Material (Vật tư): Vật tư chính, vật tư phụ.
+ Machine (Máy móc, thiết bị): Mô hình, thiết bị phục vụ đào tạo
+ Enviroment (Môi trường): Môi trường làm việc, môi trường học tập.
- Biểu đồ Gantt: là loại sơ đồ dùng để trình bày các công việc, sự kiện theo thời gian. Sơ đồ sẽ gồm 2 phần chính: trục tung thể hiện tên các công việc và trục hoành thể hiện các mốc thời gian cho những công việc ấy. Nhìn vào một sơ đồ Gantt, bạn dễ dàng nắm bắt được các thông tin của từng đầu công việc và của cả dự án.
Hình 6. Biểu đồ Gantt
- Chu trình PDCA (Plan – Do- Check – Action): Là chu trình cải tiến liên tục của Tiến sĩ Deming giới thiệu cho người Nhật trong những năm 1950.
Hình 7. Chu trình PDCA
III. Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo của Trường:
§ Các ngành nghề mới được mở dựa trên giá trị cốt lõi của Trường, có tính chiến lược của nền kinh tế Việt Nam, chiến lược sản xuất kinh doanh các lĩnh vực ngành nghề hoạt động của THACO và đáp ứng nhu cầu, xu hướng phát triển nguồn nhân lực của THACO và xã hội theo xu thế của thời đại.
§ Hoạt động tư vấn tuyển sinh được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau: Qua mạng xã hội (Face book, Zalo,….), trên trang Web của Trường, đài phát thanh, trực tiếp đến các trường để tư vấn,….
§ Ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động giảng dạy (Đào tạo trực tuyến), tổ chức thi lý thuyết trên trang web, ứng dụng phần mềm vào trong công tác quản lý các loại hồ sơ sổ sách theo quy định Tổng cục GDNN.
§ Xây dựng ngân hàng đề kiểm tra kết thúc Mô đun, kết thúc khóa học, mỗi HSSV là một đề thi riêng đảm bảo tính công bằng, đánh giá đúng năng lực của HSSV.
§ Hằng năm, Trường thành lập Hội đồng đánh giá tay nghề của HSSV (có sự tham gia của kỹ sư, thợ bậc cao ở nhà máy) để tiến hành đánh giá kỹ năng tay nghề sau mỗi năm học, qua đó Hội đồng đánh giá phản ánh kịp thời cho BGH Trường và Trưởng khoa để khắc phục các điểm hạn chế và ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo.
§ Phương pháp giảng dạy của giáo viên lấy người học làm trung tâm, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, huấn luyện cho học sinh, sinh viên. Tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, sinh viên. Qua đó nâng cao khả năng tự nghiên cứu, tự học và tư duy, hình thành khả năng làm việc độc lập của học sinh, sinh viên sau này. Với khả năng tự học và năng lực tư duy giúp các em sau khi tốt nghiệp đi làm có khả năng tự trau dồi thường xuyên năng lực của mình để đáp ứng ngày càng cao trước bối cảnh hội nhập và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
§ Với quan điểm “Kết hợp tạo lợi thế, chuyên biệt để hiệu quả”, đội ngũ lãnh đạo, quản lý và các giáo viên kiêm nhiệm nhiều vị trí công việc, chức danh khác nhau, để sử dụng một cách tối ưu các nguồn lực của Trường, đảm bảo hiệu quả trong hoạt động đào tạo.
§ Đội ngũ lãnh đạo của nhà Trường luôn vận dụng một cách nhập tâm 5 trụ cột chính yếu của THACO “Triết lý giá trị, chiến lược khác biệt, quản trị đặc thù, nhân sự phù hợp và môi trường làm việc văn hóa thuận tiện” để quản trị hiệu quả các hoạt động của Trường và được xem là nguyên tắc quản trị của THACO và hoạt động đào tạo của Trường.
§ CBCNV của Trường luôn có ý thức nhận diện các loại lãng phí trong hoạt động đào tạo: Sinh viên học lại, thi lại; sinh viên ra trường không có việc làm, máy móc thiết bị không sử dụng, vật tư tồn kho, chờ đợi,…..Nhận diện và đưa ra các giải pháp để loại bỏ các loại lãng phí trong hoạt động đào tạo, giúp trường nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn đầy khó khăn của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
IV. Kết luận:
Với mục tiêu của Trường là sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm và làm được việc. Cho đến nay sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và được các doanh nghiệp đánh giá cao, nhiều cựu sinh viên nắm giữ các ví trí quan trọng (Quản đốc, chuyền trưởng,…) trong doanh nghiệp.
Việc đảm bảo chất lượng đào tạo của Trường được đặt lên hàng đầu, với thuận lợi Trường thuộc tập đoàn THACO, nên hoạt động quản trị đào tạo của Trường vừa thực hiện theo các quy định của Tổng cục GDNN, vừa vận dụng linh hoạt mô quản trị công nghiệp. Đội ngũ giảng viên thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng tay nghề, được cọ sát với thực tế sản xuất; Cơ sở vật chất thiết bị được trang bị hiện đại và kết hợp sử dụng các thiết bị tại các nhà máy; Chương trình đào tạo thường xuyên được xem xét và điều chỉnh đáp ứng yêu cầu của xã hội; Tăng thời gian học sinh, sinh viên thực tập tại các Nhà máy, học hỏi từ thực tiễn công việc, chia sẻ kinh nghiệm của đội ngũ quản lý, công nhân làm lâu năm và đặc biệt là rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật, tư duy giải quyết các vấn đề thực tế,.. là hết sức quan trọng, cần thiết để học sinh, sinh viên hòa nhập nhanh với văn hóa và yêu cầu năng lực của doanh nghiệp.
- Cấp lại thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Cho phép tiếp tục hoạt động kiểm định chất lượng GDNN khi nguyên nhân đình chỉ được khắc phục
- Thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng GDNN
- Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN
- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN