Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc tại Kỳ thi đánh giá cấp thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN năm 2020. Chương trình diễn ra trong hai ngày 25, 26/11 tại Hà Nội do Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức nhằm lựa chọn những người có đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác GDNN.

Theo Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình, yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm định rất cao. Người làm công tác kiểm định không những phải làm tốt công việc của mình mà còn phải đánh giá, tư vấn được cho các cơ sở GDNN khác.

“Kiểm định viên phải đủ trình độ để tư vấn cho đối tượng kiểm định. Phải đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu bằng kinh nghiệm thực tế, kiến thức nghiên cứu của mình, bằng hiểu biết luật pháp về lĩnh vực GDNN. Đặc biệt, kiểm định viên phải rất công tâm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm định”, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, kỳ thi đánh giá cấp thẻ kiểm định viên chất lượng GDNN năm 2020 được xem là kỳ thi quốc gia và được Bộ LĐ-TB&XH giám sát rất chặt chẽ. Hội đồng thi, quy chế thi do Bộ thành lập, ban hành. Đặc biệt đề thi được xây dựng công phu trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, tổ chức có kinh nghiệm về GDNN và được bảo mật theo quy định chặt chẽ.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình cũng thông tin, các tổ chức kiểm định độc lập sẽ thực hiện công tác đánh giá và công nhận cơ sở GDNN, chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định của Bộ LĐ-TB&XH.

Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN sẽ thực hiện công tác giám sát quá trình kiểm định của các tổ chức kiểm định và sẵn sàng can thiệp nếu công tác kiểm định không đúng với quy định. Mục tiêu đặt ra là xã hội tin tưởng vào kết quả kiểm định mà các tổ chức kiểm định triển khai.

Để làm được việc này, Bộ LĐ- TB&XH một mặt ban hành quy định chặt chẽ từ quy trình kiểm định, công tác giám sát, kiểm tra, mặt khác Bộ cũng có trách nhiệm phát triển đội ngũ kiểm định viên, đảm bảo xây dựng được đội ngũ chuyên nghiệp, công tâm thực hiện nhiệm vụ này.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình nhận định, các kiểm định viên chính là “cánh tay nối dài” của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng GDNN.

“Khi các thầy, cô giáo trải qua kỳ thi sát hạch, được cấp thẻ kiểm định viên thì quá trình hành nghề sau đó, dù làm việc với tổ chức kiểm định độc lập nhưng trong tâm thế là người của Tổng cục GDNN thực hiện công tác kiểm định, giúp Tổng cục đánh giá đúng, chính xác công tâm, minh bạch, đúng quy định chất lượng GDNN. Các kiểm định viên cũng sẽ chịu sự quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN”, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình nói.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình cũng tin tưởng, 108 thầy, cô tham gia kỳ thi sát hạch năm nay sẽ đưa “luồng gió mới” vào trong kiểm định, đáp ứng yêu cầu kiểm định trong tương lai.

Theo chương trình, ngày 26/11, 108 thí sinh sẽ bắt đầu kỳ thi sát hạch. Các thí sinh sẽ trải qua 3 phần thi: thi tự luận, thi trắc nghiệm và thi thực hành.

Cùng với sự phát triển của hệ thống GDNN, chất lượng cơ sở GDNN đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, phụ huynh, cũng như người học và toàn xã hội.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội; nó mang lại cả cơ hội và thách thức đối với không chỉ mỗi quốc gia mà ngay cả đối với mỗi cơ sở GDNN, làm cho sự cạnh tranh trong lĩnh vực GDNN ngày càng gay gắt hơn, không những giữa các cơ sở trong nước với nước ngoài mà ngay cả các cơ sở GDNN trong nước. Lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về cơ sở GDNN nào có chất lượng cao.

Qua kiểm định góp phần nâng cao năng lực quản trị của nhà trường, để nhà trường được công nhận, xếp hạng về chất lượng cơ sở GDNN và chương trình đào tạo. Từ đó, khẳng định vị thế và thương hiệu trong đào tạo và phát triển nhân lực.

 

Cổng dịch vụ công quốc gia
Cổng dịch vụ công trực tuyến

Thống kê truy cập

Trong ngày0

T.Truy cập0

Trực tuyến0