Đảm bảo chất lượng dạy nghề trong khu vực là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch 5 năm về Giáo dục của ASEAN (2016-2020). Để hỗ trợ ASEAN trong lĩnh vục ưu tiên nêu trên, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác khu vực phát triển dạy nghề (RECOVET) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức tài trợ, năm 2015, một nhóm công tác gồm Thư ký ASEAN (trưởng nhóm), đại diện các cán bộ cấp Chính phủ, cấp trường, các cơ quan đảm bảo chất lượng dạy nghề và đại diện Ngành của các nước thành viên ASEAN đã được thành lập với mục tiêu xây dựng Khung đảm bảo chất lượng dạy nghề ASEAN (Khung ASEAN TVET QA). Các thành viên Nhóm công tác đã tham dự nhiều đợt tập huấn, hội thảo nhằm trao đổi, thống nhất nội dung Khung ASEAN TVET QA. Đầu tháng 11/2016, Nhóm công tác với sự hỗ trợ của các chuyên gia Đức đã hoàn thành Dự thảo lần 1 Khung ASEAN TVET QA và theo kế hoạch, cuối năm 2017, Khung ASEAN TVET QA sẽ được trình phê duyệt tại Hội nghị quan chức cấp cao về giáo dục ASEAN (SOM-ED).
1. Bối cảnh, mục tiêu, cách tiếp cận khi xây dựng Khung ASEAN TVET QA
Bối cảnh:
Các nước thành viên ASEAN đang hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực chung phát triển kinh tế xã hội trong đó dịch chuyển tự do lao động có kỹ năng được xác định là một trong các chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế khu vực. Vấn đề đảm bảo chất lượng dạy nghề, theo đó, không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà là vấn đề chung của khu vực để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Trong bối cảnh này, tương tự như các khung tham chiếu đảm bảo chất lượng dạy nghề khu vực khác (như Khung Đảm bảo chất lượng dạy nghề của Châu Âu, Khung đảm bảo chất lượng dạy nghề của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á), Khung ASEAN TVET QA đóng vai trò là một “công cụ giao tiếp” nhằm tạo sự tin tưởng lẫn nhau giữa các hệ thống dạy nghề trong khu vực. Sự tin tưởng lẫn nhau sẽ là nền tảng cho quá trình tham chiếu khung trình độ của mỗi quốc gia với khung trình độ ASEAN, thu hẹp sự khác biệt về hệ thống đảm bảo chất lượng mỗi quốc gia và tăng cường sự công nhận lẫn nhau đối với trình độ, năng lực của người lao động trong khu vực.
Mục tiêu:
Xây dựng Khung ASEAN TVET QA trở thành một công cụ tham chiếu, hỗ trợ các quốc gia thành viên giám sát, phát triển hệ thống dạy nghề quốc gia, tăng cường sự minh bạch trong phát triển chính sách dạy nghề, xây dựng niềm tin giữa các quốc gia thành viên, hỗ trợ việc dịch chuyển lao động và người học trong khu vực và khuyến khích quá trình học tập suốt đời của người lao động và người học.
Cách tiếp cận
- Huy động sự tham gia của các bên trong quá trình nghiên cứu, xây dựng
Do có sự khác biệt giữa các hệ thống dạy nghề và hệ thống đảm bảo chất lượng dạy nghề các nước ASEAN nên Nhóm công tác xây dựng dự thảo Khung ASEAN TVET QA áp dụng cách tiếp cận huy động sự tham gia của các bên nhằm thúc đẩy sự trao đổi, thống nhất để đạt mục tiêu là các bên sẽ thể hiện trách nhiệm và cam kết đối với vấn đề đảm bảo chất lượng dạy nghề nói chung và Khung ASEAN TVET QA nói riêng. Quá trình làm viêc của Nhóm dựa trên nguyên tắc tự nguyện và tinh thần hợp tác, chia sẻ.
- Lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm thể hiện trên Khung ASEAN TVET QA
Các đại điện từ các quốc gia thành viên ASEAN đều nhất trí việc lựa chọn một số lĩnh vực/vấn đề trọng tâm để thể hiện trên Khung ASEAN TVET QA thay vì bao quát toàn bộ các khía cạnh/lĩnh vực liên đến đảm bảo chất lượng dạy nghề. Cách tiếp cận này sẽ đảm bảo thuận lợi khi xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng, đảm bảo sự thống nhất giữa các quốc gia thành viên cũng như xác định các tiêu chí đánh giá Khung.
- Nguyên tắc áp dụng Khung: tương tự như các Khung đảm bảo chất lượng dạy nghề khu vực khác, các nước tham gia Khung ASEAN TVET QA sẽ trên nguyên tắc tự nguyện.
2. Cấu trúc dự thảo Khung ASEAN TVET QA:
Với cách tiếp cận nêu trên, tại Hội thảo tổ chức ở Thái Lan (ngày 6-8 tháng 3/2016), các đại biểu tham dự từ các nước thành viên ASEAN đã thống nhất lựa chọn 3 lĩnh vực chủ chốt thể hiện trên Khung ASEAN TVET QA gồm (i) Sự tham gia của doanh nghiệp, (ii) Nhân sự trong dạy nghề (iii) Kiểm định và đánh giá trong dạy nghề. Các chỉ số chi tiết thuộc từng lĩnh vực nêu trên cũng đã được dự thảo và đang trong quá trình hoàn thiện.
Biểu dưới đây so sánh cấu trúc giữa Khung ASEAN TVET QA, Khung đảm bảo chất lượng dạy nghề châu Âu (EQAVET), Khung đảm bảo chất lượng dạy nghề của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS TVET QAF).
Bảng so sánh trên cho thấy cấu trúc của Khung ASEAN TVET QA (dự thảo) được thiết kế đơn giản rất nhiều so với Khung EQAVET và Khung EAS TVET QAF. Các thành viên Nhóm công tác xây dựng Khung thống nhất cách tiếp cận là xây dựng một Khung ASEAN TVET QA mang tính thực tiễn, phù hợp bối cảnh phát triển dạy nghề nói chung và hệ thống đảm bảo chất lượng dạy nghề của các nước trong khu vực nói riêng để các nước có thể triển khai áp dụng Khung. Do 10 nước ASEAN đều là thành viên của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) nên các nước được khuyến nghị là sẽ áp dụng Khung ASEAN TVET QA cùng với Khung EAS TVET QA.
3. Các bước triển khai tiếp theo:
Theo kế hoạch của dự án RECOVET, chuyên gia và các thành viên Nhóm công tác sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi về dự thảo Khung ASEAN TVET QA để đưa ra bản dự thảo lần 2. Dự kiến Nhóm công tác sẽ tham dự Hội thảo tại Lào tổ chức trong 2 (ngày 17, 18/1/2017) để thống nhất về dự thảo Khung ASEAN TVET QA và đề xuất giải pháp để triển khai Khung tại các nước thành viên.
Sau Hội thảo tại Lào là vòng tham vấn tại các quốc gia thành viên ASEAN để hoàn thiện dự thảo. Dự kiến, cuối năm 2017, Khung ASEAN TVET QA sẽ được phê duyệt tại Hội nghị quan chức cấp cao về giáo dục ASEAN (SOM-ED).
4. Đóng góp của Việt Nam trong quá trình xây dựng Khung ASEAN TVET QA
Việt Nam là thành viên tích cực tham gia xây dựng Khung ASEAN TVET QA ngay từ khi bắt đầu dự án. Với kinh nghiệm của Việt Nam khi triển khai hệ thống kiểm định chất lượng dạy nghề từ năm 2008 và thí điểm hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường đã có nhiều ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Khung ASEAN TVET QA.
Tóm tắt một số ý kiến đóng góp chính của Việt Nam đối với dự thảo lần 1 như sau:
- Do hệ thống đảm bảo chất lượng dạy nghề mỗi nước thành viên có bước phát triển khác nhau nên việc hiểu rõ hệ thống từng quốc gia trước khi trao đổi thống nhất về Khung ASEAN TVET QA, đặc biệt là nội dung các chỉ số, tiêu chuẩn quy định trên Khung là rất quan trọng nhằm đảm bảo Khung ASEAN TVET QA mang tính thực tiễn, khả thi trong quá trình triển khai và đảm bảo sự cam kết của các nước thành viên tham gia triển khai Khung. Việt Nam khuyến nghị cụ thể là cần có bảng hỏi do chuyên gia về đảm bảo chất lượng giáo dục/dạy nghề thiết kế nhằm thu thập đầy đủ và thống nhất về thông tin liên quan đến hệ thống đảm bảo chất lượng dạy nghề hiện tại của mỗi quốc gia.
- Khái niệm, thuật ngữ về đảm bảo chất lượng dạy nghề được hiểu và sử dụng rất khác nhau giữa các quốc gia nên cần lưu ý giải thích rõ khái niệm sử dụng.
- Đối với nội dung về Nhân sự TVET thì cần nghiên cứu, bổ sung chỉ số về cán bộ quản lý nhà nước về TVET thay vì chỉ bao quát giáo viên, cán bộ quản lý trong cơ sở đào tạo. Đối nội dung về Kiểm định và Đánh giá, cần nghiên cứu lại kết cấu và nội dung để đảm bảo khoa học hơn, phân chia kết cấu theo đảm bảo chất lượng dạy nghề bên ngoài và bên trong, hoặc theo các loại hình đánh giá (đánh giá cơ sở đào tạo, đánh giá chương trình, đánh giá người học...).
- Cần học hỏi kinh nghiệm quá trình xây dựng các khung đảm bảo chất lượng dạy nghề khu vực khác và tác động thực tiễn của các khung này để đảm bảo tiết kiệm nguồn lực và hiệu quả.
Ngoài những ý kiến đóng góp nêu trên, Việt Nam đã đóng góp đối với từng nội dung chỉ số chi tiết để đảm bảo nội dung chỉ số phù hợp nội hàm đối với mỗi lĩnh vực trọng tâm và đảm bảo tính khả thi khi đánh giá.
Rõ ràng, tham gia xây dựng Khung ASEAN TVET QA là trách nhiệm của từng quốc gia thành viên nhưng cũng đồng thời là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng dạy nghề của các quốc gia khác trong khu vực và thế giới, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện triển khai Khung để đảm bảo hội nhập sau khi Khung được phê duyệt.
Riêng đối với Việt Nam, ngoài cơ hội nêu trên, việc tích cực nghiên cứu, đóng góp xây dựng Khung ASEAN TVET QA sẽ phục vụ hữu ích cho việc nghiên cứu, hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp, quy định về hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, xây dựng Khung đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam (được xác định trong dự thảo Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020) và quá trình hoàn thiện, phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam nói chung.
Phạm Thị Minh Hiền,
Phó Trưởng phòng Kiểm định và CNCL
Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề.
- Cấp lại thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Cho phép tiếp tục hoạt động kiểm định chất lượng GDNN khi nguyên nhân đình chỉ được khắc phục
- Thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng GDNN
- Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN
- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN