Ngày 11/7/2017, tại Hà Nội, Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề, Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam của GIZ (GIZ TVET Việt Nam) và Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn quốc (KOICA) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Tổng kết nghiên cứu chỉnh sửa tiêu chí trường nghề chất lượng cao” nhằm tổng kết, đánh giá quá trình nghiên cứu chỉnh sửa tiêu chí trường nghề chất lượng cao đồng thời xin ý kiến góp ý bản dự thảo bộ tiêu chí và quy trình đánh giá công nhận trường nghề chất lượng cao sau khi triển khai thí điểm. Tham dự Hội thảo có PGS. TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Tiến sĩ Phan Chính Thức - Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình - Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề, Bà Britta Van Erckelens, Cố vấn cấp cao - Phó Giám đốc GIZ TVET Việt Nam; Bà Phan Mỹ Thành - đại diện KOICA, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện một số Bộ chủ quản các trường cao đẳng nghề, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và GIZ TVET Việt Nam, các chuyên gia của ADB, AFD, chuyên gia trong nước và đại diện từ các trường nghề.
PGS. TS Cao Văn Sâm - PTCT. Tổng cục Dạy nghề phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo,PGS. TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu đạt được trong hơn 1 năm triển khai nghiên cứu, chỉnh sửa bộ tiêu chí trường nghề chất lượng cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong quá trình triển khai thực hiện đồng thời thể hiện sự kỳ vọng vào sự thành công của Hội thảo nhằm tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí để trình Chính phủ phê duyệt. Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình- Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề cho rằng việc triển khai thí điểm bộ tiêu chí tại 5 trường CĐN (trong đó 3 trường được GIZ hỗ trợ và 2 trường được KOICA hỗ trợ từ nguồn vốn ODA) đã đạt được mục tiêu, hiệu quả, phục vụ hữu ích cho chỉnh sửa bộ tiêu chí, đảm bảo yêu cầu các tiêu chuẩn đánh giá được và phù hợp với thực tiễn.
Hội thảo đã tập trung thảo luận 5 tiêu chí đánh giá trường nghề chất lượng cao (Tiêu chí 1: Quy mô đào tạo, trình độ học sinh, sinh viên và dịch hỗ trợ học sinh, sinh viên trong đào tạo; Tiêu chí 2: Đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động; Tiêu chí 3: Đội ngũ nhà giáo có đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu đào tạo; Tiêu chí 4 Chương trình đào tạo và Cơ sở vật chất, trang thiết bị; Tiêu chí 5: Quản trị nhà trường có hiệu quả và hội nhập quốc tế) với tổng số 47 tiêu chuẩn đánh giá chi tiết và Tiêu chí đối với các trường tiếp cận trình độ quốc tế (Tiêu chí 6) đã được hoàn thiện sau thí điểm. Cấu trúc các tiêu chí, tiêu chuẩn đưa ra thảo luận như trên được đánh giá là phù hợp với nội dung phân tầng chất lượng các cơ sở và chương trình đào tạo trong dự thảo Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ (4 cấp độ phân tầng chất lượng cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo gồm: đạt tiêu chuẩn kiểm định, chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước khu vực ASEAN-4, tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới).
Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình - Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề
Bà Britta Van Erckelens, Cố vấn cấp cao - Phó Giám đốc GIZ TVET Việt Nam
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí là phần lớn các tiêu chuẩn đánh giá đã phù hợp và khả thi khi đánh giá, tuy nhiên, một số các tiêu chuẩn cần điều chỉnh để phù hợp hơn với một số trường đặc thù, một số khái niệm, thuật ngữ nên được chuẩn hóa và một số tiêu chuẩn cần được rà soát đảm bảo tính khoa học trong đó lưu ý đến nội dung phân tầng chất lượng cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo nêu trên. Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình và Bà Britta Van Erckelens cho rằng Hội thảo đã rất thành công với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, các bên trong hơp tác sẽ ghi nhận, tiếp thu trong quá trình chỉnh sửa bộ tiêu chí để trình Chính phủ phê duyệt.
Phạm Thị Minh Hiền - Phó Trưởng phòng KĐ & CNCL
- Cấp lại thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Cho phép tiếp tục hoạt động kiểm định chất lượng GDNN khi nguyên nhân đình chỉ được khắc phục
- Thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng GDNN
- Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN
- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN