Chính phủ Việt Nam đã khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực qua đào tạo nghề là một trong ba trụ cột tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực cũng là một trong ba khâu đột phá để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Do vậy, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nghề là yêu cầu, là đòi hỏi của đất nước, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Trong thời gian qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, giáo dục nghề nghiệp đã được nhà nước và xã hội quan tâm đầu tư tài chính và các nguồn lực khác, nên đã có bước phát triển tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề cho các ngành kinh tế, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, các ngành kinh tế mũi nhọn.
Với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh và bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” với mục tiêu phấn đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trong đó hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và kiểm định chất lượng được sử dụng như một công cụ quan trọng để đánh giá mức độ đáp ứng được các tiêu chí trường chất lượng cao.
Bảo đảm chất lượng giữ vai trò quyết định trong quá trình phát triển và hiện đại hóa hệ thống GDNN, góp phần nâng cao năng lực, sự hấp dẫn và giá trị của GDNN. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, khi nhu cầu về việc công nhận, thừa nhận kỹ năng, trình độ ngày càng tăng thì việc bảo đảm và khẳng định chất lượng văn bằng là vô cùng cần thiết và quan trọng đối với mỗi hệ thống. Quan điểm, định hướng chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng; phát huy vai trò của đội ngũ lãnh đạo trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống bảo đảm chất lượng.
Năm 2017, Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2018. Thông tư đã đưa ra các nội dung cụ thể triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng cho các cơ sở GDNN với 2 nhóm hoạt động chính: i) Xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng; và ii) Tự đánh giá chất lượng GDNN theo tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN quy định tại Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH.
Như vậy, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của các cơ sở GDNN bao gồm 02 hoạt động quan trọng cần thiết xây dựng và thực hiện đó là:
Xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng:
Hệ thống bảo đảm chất lượng là hệ thống các chính sách, quy trình, công cụ đối với tất cả lĩnh vực, nội dung quản lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đạt được mục tiêu đề ra. Hệ thống tài liệu bảo đảm chất lượng (gồm chính sách chất lượng, sổ tay chất lượng, mục tiêu chất lượng, quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng đối với từng nội dung trong các lĩnh vực quản lý và hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng) được xem như là một công cụ quan trọng hỗ trợ cho các đơn vị trong trường chuẩn hóa các phương pháp làm việc, cải cách phương thức làm việc, minh bạch hóa các bước trong quy trình quản lý và giải quyết công việc... với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của cán bộ, giáo viên, HS-SV và các tổ chức, cá nhân bên ngoài.
Hệ thống bảo đảm chất lượng phải được đánh giá và cải tiến liên tục nhằm xác định và nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động, các kết quả liên quan đến hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phát hiện và xử lý những vấn đề không phù hợp của hệ thống bảo đảm chất lượng để từ đó có biện pháp cải tiến và kế hoạch hành động phù hợp nhằm duy trì tính hiệu lực và nâng cao hiệu quả trong việc vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng.
Thực hiện tự đánh giá chất lượng GDNN theo tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN quy định tại Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH
Hoạt động tự đánh giá chất lượng GDNN hàng năm được xem như là đánh giá về mặt kết quả đối với quá trình vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của các cơ sở GDNN ở mức độ đạt/không đạt theo bộ tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, thể hiện được tính tự chủ và tính tự chịu trách nhiệm trong toàn bộ hoạt động về tổ chức và quản lý, đào tạo, nhà giáo – cán bộ quản lý, chương trình – giáo trình, cơ sở vật chất – thiết bị đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính và các dịch vụ cho người học theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp mục tiêu của trường.
Một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động lãnh đạo, quản lý khi bắt đầu triển khai xây dựng, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng.
Về những khó khăn, hạn chế:
Thứ nhất, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa xác định hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thiết lập hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở của mình.
Thứ hai, chưa xây dựng tầm nhìn, chiến lược về bảo đảm chất lượng trước những thay đổi về cơ chế chính sách và những yêu cầu về hội nhập nghề nghiệp.
Thứ ba, việc vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hình thức, đối phó, chưa mang lại hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng đào tạo ở chính cơ sở GDNN. Đó là:
- Mặc dù đã có sự cam kết thực hiện của lãnh đạo, nhưng vẫn còn một số ít cán bộ, viên chức chưa thực sự hiểu rõ về hiệu quả của việc áp dụng quy trình quản lý chất lượng nên vẫn còn có tâm lý ngại thay đổi, làm việc theo thói quen cũ, dẫn đến hiệu quả xây dựng và áp dụng các công việc của trường theo quy trình quản lý chất lượng đã xây dựng chưa được như mong đợi.
- Trong quá trình xây dựng các nội dung quản lý chất lượng, việc thực hiện rà soát, xác định những điểm còn tồn tại trong từng nội dung quản lý của trường chưa triệt để, nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những điểm còn tồn tại, làm cơ sở cho việc đánh giá được hiệu quả của quá trình xây dựng, vận hành hệ thống quản lý chất lượng tại trường.
- Chưa huy động được nhiều sự tham gia góp ý, xây dựng và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng của cán bộ, giáo viên, nhân viên nên khi vận hành vẫn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc.
- Còn hiện tượng một số cán bộ, giáo viên chưa thích ứng với hệ thống quản lý chất lượng, chưa khắc phục được thói quen ỷ lại, đối phó.
- Việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng còn hạn chế; chưa xây dựng được hệ thống thông tin phục vụ cho toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành của trường...
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế:
- Nhận thức của cấp ủy Đảng, lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên, người học chưa đầy đủ về vai trò quan trọng của việc đảm bảo chất lượng trong các cơ sở GDNN đối với việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Chưa thực sự quan tâm và tuân thủ các quy định về thực hiện tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN và chương trình đào tạo.
- Quá trình xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở GDNN chưa xây dựng được tầm nhìn và định hướng chiến lược rõ ràng từ cấp lãnh đạo cao nhất cho đến quá trình thực hiện ở cấp đơn vị, đó là:
+ Về lãnh đạo, quản lý: Cam kết chưa đủ mạnh; chưa am hiểu đầy đủ về hệ thống bảo đảm chất lượng; nặng về cảm tính trong quá trình ra quyết định; xử lý vi phạm chưa kiên quyết; chưa đảm bảo các nguồn lực cần thiết.
+ Về nhân sự thực hiện: Hiểu chưa đúng về chất lượng/quản lý chất lượng và vai trò của cá nhân trong hệ thống; thói quen tùy tiện, tư duy kinh nghiệm; tư tưởng ỷ lại ngại thay đổi; bệnh hình thức và đối phó; chưa phát huy hết vai trò phản biện của các bên liên quan.
+ Về phương pháp vận hành: Tiếp cận thiếu tính hệ thống; phương pháp triển khai chưa thực sự phù hợp; thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai vận hành.
- Hoạt động tự đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng là những công việc mới với các nhà trường. Đặc biệt là cách tiếp cận tự đánh giá theo tiêu chuẩn/ tiêu chí dựa trên minh chứng (cách phân tích minh chứng, viết báo cáo tiêu chí/tiêu chuẩn...). Một số cán bộ, giáo viên kể cả cán bộ chủ chốt chưa ý thức hết ý nghĩa của kiểm định chất lượng, chưa lường hết sự vất vả, tốn công, tốn sức của quá trình tự đánh giá, vì thế chưa đầu tư thích đáng.
- Một thách thức khác đối với nhà trường là hoạt động tự đánh giá chất lượng phải trở thành hoạt động thường niên, phải được đưa vào kế hoạch năm học. Các thành viên trong Hội đồng tự đánh giá thường là cán bộ quản lý hoặc giáo viên kiêm nhiệm, bận nhiều công việc ở trường, nên không đầu tư được thời gian thoả đáng cho hoạt động tự đánh giá. Các nhóm chuyên trách có nhiều cán bộ, giáo viên tham gia nhưng chưa được tập huấn bồi dưỡng các kĩ thuật thu thập, xử lý thông tin, minh chứng, chưa biết cách viết báo cáo tiêu chí. Thiếu sự phối hợp giữa các nhóm chuyên trách trong quá trình tự đánh giá, các buổi thảo luận chung giữa các nhóm chuyên trách, giữa các nhóm chuyên trách với Hội đồng tự đánh giá về các báo cáo tiêu chí/tiêu chuẩn còn ít.
- Công tác quản lý, lưu trữ dữ liệu, hồ sơ minh chứng ở trường nhìn chung chưa khoa học. Việc điều tra khảo sát, lấy ý kiến phản hồi từ người học/người dạy/cán bộ quản lý và nhà tuyển dụng lao động chưa được tổ chức thường kỳ, với hệ thống mẫu phiếu, quy trình bài bản để tăng tính khách quan, đảm bảo giá trị chân thực của kết quả lấy ý kiến nhằm phục vụ công tác tự đánh giá chất lượng.
Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tế khi xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong
Quán triệt vai trò và ý nghĩa của hoạt động bảo đảm chất lượng
Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các cán bộ chủ chốt và toàn thể cán bộ, giáo viên, CNV trong toàn trường nhất thiết phải được quán triệt về vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đó là: các hoạt động quản lý được chuẩn hóa; nhận thức của đội ngũ cán bộ được nâng lên; vai trò, trách nhiệm của cán bộ được nâng cao tránh sự chồng chéo công việc; các hoạt động quản lý, giám sát dễ thực hiện; việc phối hợp giữa các đơn vị được nâng cao; hệ thống biểu mẫu, văn bản được quy chuẩn và thống nhất; hệ thống tài liệu, hồ sơ được lưu trữ khoa học phục vụ tốt cho hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài.
Xây dựng và vận hành hệ thống BĐCL bên trong nhà trường là nền tảng quan trọng trong việc bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần hình thành “văn hóa chất lượng”, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường. Việc xây dựng hệ thống ĐBCL trong nhà trường là cơ hội để các trường tiếp cận mô hình quản lý hiện đại, nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý, gắn kết sự tham gia của tất cả các thành viên trong trường và giúp trường giải quyết các vấn để quản lý một cách đồng bộ, khoa học, luôn cập nhật, không ngừng cải tiến đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Thành lập đơn vị phụ trách về công tác bảo đảm chất lượng:
Với vai trò là đơn vị đầu mối trong các hoạt động về xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng bao gồm: Lập kế hoạch xây dựng, nghiệm thu, đánh giá và cải tiến; hướng dẫn xây dựng hệ thống; thường trực trong quá trình nghiệm thu, giám sát, đánh giá và cải tiến; báo cáo.
Tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị và đội ngũ trực tiếp xây dựng hệ thống.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiến thức về xây dựng hệ thống tài liệu BĐCL và tự đánh giá chất lượng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia xây dựng hệ thống BĐCL được xác định là một công việc hết sức quan trọng. Cụ thể:
- Cử cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm trong công tác quản lý, công tác đào tạo tham gia các lớp đào tạo kiến thức cơ bản và nâng cao về xây dựng hệ thống BĐCL, kiểm định chất lượng do Tổng cục GDNN tổ chức.
- Tổ chức tập huấn tại chỗ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường trực tiếp tham gia xây dựng hệ thống BĐCL và tự đánh giá chất lượng.
Tổ chức xây dựng, nghiệm thu và phê duyệt hệ thống tài liệu bảo đảm chất lượng và thực hiện tự đánh giá chất lượng GDNN.
Quá trình tổ chức thực hiện xây dựng hệ thống tài liệu BĐCL là khâu quan trọng, đòi hỏi có sự chỉ đạo sát sao của BGH và có sự tham gia của nhiều đơn vị trong trường, đó là: Nhận diện rõ các quá trình quản lý trong nhà trường; hiểu rõ cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong trường; xác định các quá trình quản lý cần quy trình hóa; giao nhiệm vụ cho đơn vị chủ trì xây dựng quy trình theo đúng chức năng, nhiệm vụ (thường giao cho các phòng chức năng quản lý đầu mối trong các hoạt động); lấy ý kiến đóng góp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên; thành lập hội đồng nghiệm thu các quy trình dưới sự chủ trì của BGH và sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị trong trường; phê duyệt, ban hành và công bố vận hành hệ thống BĐCL.
Một quy trình quản lý phải đảm bảo tính phù hợp và khả thi với các văn bản quy định và thực tế hoạt động của nhà trường. Do đó, trong quá trình xây dựng một quy trình quản lý cần xác định rõ: nội dung các bước công việc cần làm (liệt kê các công việc đang làm, mô tả công việc, gộp/tách bước công việc, sắp xếp các bước công việc), cá nhân/đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện, văn bản tham chiếu/mẫu biểu, kết quả dự kiến các bước công việc.
Mục tiêu chất lượng cấp trường và cấp đơn vị phải được thiết lập hàng năm làm cơ sở cho các định hướng công việc và đánh giá kết quả thực hiện.
Về thực hiện tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN và chương trình đào tạo: Cần thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN. Quá trình thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng đòi hỏi các phòng, khoa, bộ môn, trung tâm trong trường phải tự đánh giá về mục tiêu, về hoạt động điều hành, kết quả đạt được của từng bộ phận và của nhà trường theo bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH. Các giải thích, nhận định, kết luận đưa ra trong quá trình tự đánh giá theo các tiêu chí, tiêu chuẩn phải dựa trên các minh chứng cụ thể, rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy, phù hợp với nội hàm từng tiêu chuẩn.
Hoạt động tự đánh giá chất lượng hàng năm là một hoạt động quan trọng của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường và cán bộ chủ chốt các đơn vị cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và kết quả tự đánh giá làm cơ sở cho việc đánh giá, cải tiến và nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Do vậy, Ban Giám hiệu có nhận thức đúng, thực sự quan tâm, đầu tư công sức, chỉ đạo sát sao thì hoạt động tự đánh giá của trường thực hiện đúng quy trình đạt hiệu quả.
Vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong
Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong sau khi đã xây dựng cần phải được công bố vận hành, có kế hoạch đánh giá, cải tiến và được đưa vào kế hoạch chung của nhà trường. Mỗi đơn vị phòng, khoa, bộ môn, trung tâm trong nhà trường cần có cán bộ kiểm soát tài liệu, hồ sơ, minh chứng tại đơn vị.
Hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch, chương trình, công cụ đánh giá nội bộ, kế hoạch tự đánh giá chất lượng nhằm không ngừng duy trì, cải tiến nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Như vậy, với cách tiếp cận hệ thống bảo đảm chất lượng như trình bày ở trên, cho thấy rằng trong điều kiện của Việt Nam hiện nay đang hướng đến cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng thì mô hình bảo đảm chất lượng phù hợp đó là mô hình với xu hướng phi tập trung hóa, tăng cường phân cấp quản lý giáo dục, đề cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở nói chung và chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Hình thành văn hóa chất lượng và hệ thống bảo đảm chất lượng của các cơ sở đào tạo thông qua quá trình đánh giá bên trong. Vai trò lãnh đạo, quản lý trong các cơ sở thể hiện cụ thể ở việc hoạch định chính sách chất lượng, hệ thống các chuẩn mực bảo đảm chất lượng, xây dựng và ban hành quy trình, cơ chế thực hiện tự đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Trường cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp
- Cấp lại thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Cho phép tiếp tục hoạt động kiểm định chất lượng GDNN khi nguyên nhân đình chỉ được khắc phục
- Thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng GDNN
- Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN
- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN